image banner
Giới thiệu về xã Hồng Quang - Nam Trực - Nam Định

Xã Hồng Quang nằm ở phía Đông Bắc huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía Bắc; Phía Bắc giáp với xã Nam Toàn, xã Nam Vân – Thành phố Nam Định; Phía Đông giáp với xã  Điền Xá, Tân Thịnh và Nam Hồng; Phía Nam giáp với xã Nam Cường, Nam Hùng, Nam Hoa; Phía Tây giáp với Nam Cường, Nam Toàn.

Xã Hồng Quang thành lập ngày 03/10/1977 trên cơ sở hợp nhất 2 xã Nam Chấn và Nam Quang với diện tích 1.055,78 ha, dân số 13.571 người, được phân bổ trên địa bàn 12 thôn, làng truyền thống (29 xóm theo Quyết định của UBND tỉnh). Xã có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo, trong đó tỷ lệ dân số theo đạo Thiên chúa giáo chiếm khoảng 49% tổng dân số toàn xã.

Xã Nam Chấn tiền thân là xã Lạc Chử được thành lập từ năm 1947  trên cơ sở sáp nhập 4 xã Lạc Đạo, Cổ Chử, Đạo Nghĩa (thuộc tổng Đỗ Xá huyện Nam Trực) và Lạc Na (thuộc tổng Cổ Gia huyện Nam Trực).

Xã Nam Quang trước năm 1945 có tên là Báo Đáp (thuộc tổng Giang Tả huyện Mỹ Lộc). Năm 1947 xã Báo Đáp sáp nhập với xã Giang Tả thành xã Mỹ Toàn thuộc huyện Mỹ Lộc, sau chuyển về huyện Nam Trực.

Tháng 10 năm 1956 xã Mỹ Toàn tách ra thành 2 xã Nam Quang và Nam Toàn.

Những người con tiêu biểu của quê hương có: Tướng quân Trần Lãm (Thời nhà Đinh), Trạng nguyên Trần Văn Bảo (đỗ năm Canh Tuất – 1550), Tiến sĩ Trần Đình Huyên (Con trai Trạng nguyên Trần Văn Bảo, đỗ năm Bính Tuất – 1586).

Với bản chất cần cù, thông minh, sáng tạo và bàn tay khéo léo, người dân Hồng Quang đã tạo ra những sản phẩm ẩm thực, thủ công mỹ nghệ độc đáo mang giá trị nghệ thuật cao như: Tương bần làng Lạc Đạo; hoa giấy, hoa nhựa, đèn ông sao làng Báo Đáp,…

Phát huy truyền thống của dân tộc, người dân Hồng Quang coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Xã có trên 30 di tích lịch sử văn hóa Đền, Đình, Chùa, Phủ, Từ đường, nhà thờ Thiên chúa giáo, trong đó có các Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu như:

Đình Xám đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 29/QĐ-VH ngày 13/01/1964. Là nơi thờ phụng Sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm) là người có công cùng Đinh Bộ Lĩnh (Vua Tiên Hoàng) dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất Quốc gia. Cùng với di tích lịch sử văn hoá là lễ hội truyền thống Đền Xám tổ chức vào các ngày 17,18,19 tháng 8 Âm lịch hàng năm, có tổ chức bơi Chải truyền thống.

Đình Chùa Miếu thôn Bàn Thạch xã Hồng Quang thờ thành hoàng làng và 2 vị tướng quân thời nhà Mạc và nhà Lý được UBND tỉnh Nam Định có quyết định số 3082-QĐ/UBND ngày 27/12/2016 công nhận xếp hạng di tỉnh Đình, Chùa, Miếu thôn Bàn Thạch là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Cùng với văn hóa tâm linh, người dân Hồng Quang đã sáng tạo và duy trì nghệ thuật múa rối nước. Loại hình nghệ thuật này do cụ Phan Liễu Thân đưa về đây khi đến khai hoang, lập nghiệp ở thế kỷ XIV. Đến đầu thế kỷ XV, nghệ thuật múa rối nước phát triển thêm một bước, các nghệ nhân ở địa phương đã lập ra một phường chuyên biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Ngoài ra, bơi chải vừa là môn thể thao, vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có truyền thống lâu đời của người dân xã nhà. Các đội bơi chải của Hồng Quang luôn được vinh dự đại diện cho huyện Nam Trực tham gia giải vô địch bơi chải tỉnh Nam Định tổ chức nhân dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm và đạt được những thành tích cao.

Tiếp nối truyền thống của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 20/10/1948 chi bộ Đảng xã ra đời gánh vác sứ mệnh lịch sử là trực tiếp chỉ đạo nhân dân trong xã tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với phương châm “Kháng chiến kiến quốc”, chi bộ và nhân dân trong xã đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, bám đất bám dân, độc lập tác chiến và phối hợp cùng các đơn vị bạn kiên cường chiến đấu chống địch càn quét, vây ráp; tổ chức bao vây công đồn, diệt trừ phản động tay sai, đạp tan âm mưu chia rẽ lương – giáo phục vụ mưu đồ xâm lược của kẻ thù, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đảng bộ và nhân dân Hồng Quang đã thực hiện tốt phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tích cực chi viện sức người sức của góp phần đánh bại 2 lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc vào ngày 30/4/1975.

Năm 2000, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Quang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau ngày hòa bình lập lại cho đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hồng Quang phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong chiến đấu và sản xuất để tiếp tục xây dựng CNXH, vượt qua những thăng trầm, khó khăn của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, xã hội những năm 1976-1986, Đảng bộ nhân dân Hồng Quang đã vươn lên giành nhiều thành tựu trong 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo. Với tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa ngành nghề, chăm lo phát triển văn hóa – xã hội,… Nhờ đó, nền kinh tế địa phương không ngừng tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nông thôn Hồng Quang không ngừng đổi mới, phát triển. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của những thành tích đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Quang đang vững bước tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng Hồng Quang thành quê hương giàu đẹp, văn minh.

(Trích: Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Quang)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisementanh tin bai

anh tin bai

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hồng Quang - Nam Trực
Địa chỉ: xã Hồng Quang - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xahongquang.ntc@namdinh.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang